Dùng lá ổi chữa viêm da cơ địa giúp tẩy sạch da lại an toàn
Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết, trong thành phần của lá ổi chứa chất tanin có tác dụng làm se lành vết thương, sát trùng, tẩy sạch da an toàn nên dân gian hay dùng lá ổi chữa viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa là bệnh ngoài da phổ biến. Nguyên nhân gây bệnh được xác định là có liên quan đến yếu tố di truyền hoặc do bệnh nhân bị dị ứng với những tác nhân gây dị ứng có trong môi trường như bụi, lông động vật, mỹ phẩm… Biểu hiện dễ nhận biết của bệnh đó những thương tổn trên da như mụn mủ, vảy tiết, da đỏ, rất ngứa, ngứa càng nhiều lớp da càng dày hơi, tăng nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm. Dân gian cho rằng, lá ổi chứa nhiều thành phần tốt cho người bị viêm da cơ địa, khắc phục triệu chứng bệnh, tẩy sạch da an toàn mà không gây kích ứng, không tác dụng phụ.
I. Công dụng của lá ổi trong việc chữa viêm da cơ địa
Hầu hết các bộ phận của ổi đều có giá trị dược liệu nên công dụng điều trị bệnh bằng lá ổi cho đến nay vẫn được chuyên gia nghiên cứu và khám phá.
Theo Đông y, lá ổi có vị đắng, chát, hàm lượng tinh dầu cao, có tác dụng kháng khuẩn, sát khuẩn, tiêu viêm nên thường được dùng để trị một số bệnh liên quan đến viêm nhiễm khuẩn như: viêm dạ dày- ruột, tiêu chảy, vết thương chảy máu hoặc vết bầm, bệnh lý về da như rụng tóc, hói đầu, viêm da cơ địa…
Nhiều nghiên cứu của y học hiện đại cũng đã chứng minh được sở dĩ lá ổi có tính kháng khuẩn tiêu viêm là nhờ trong thành phần có chứa 7-10% tanin pyrogalic, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nên bệnh đường tiêu hóa, bệnh về da, trong đó có viêm da cơ địa. Chất này được tìm thấy nhiều trong búp ổi và lá ổi non.
Lá ổi cũng là nguyên liệu tự nhiên nên đặc biệt an toàn, hầu như không đem lại tác dụng phụ như một số cách điều trị khác.
II. Hướng dẫn cách chữa bệnh viêm da cơ địa bằng lá ổi
Lá ổi có nhiều ở vùng quê. Chỉ với một nắm lá ổi và một số thao tác thực hiện đơn giản, người bị viêm da cơ địa hoàn toàn có thể thoát khỏi cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Chuẩn bị: 1 nắm lá ổi tươi.
Cách thực hiện hiệu quả:
- Lá ổi đem rửa thật sạch, để ráo nước.
- Cho lá ổi vào trong nồi nước sôi đun từ 15-25 phút để nhả hết tinh chất. Khi nấu, canh không để nước bị cạn.
- Dùng nước lá vừa nấu xong, dùng khăn trẻ em thấm nước lá đem đắp hoặc rửa vùng da bị viêm da cơ địa.
- Thực hiện thường xuyên, các triệu chứng bệnh sẽ từ từ thuyên giảm và biến mất.
III. Một số lưu ý khi dùng lá ổi trị bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh có tính chất mãn tính nên việc điều trị tận gốc bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên tắc điều trị viêm da cơ địa cần bắt đầu từ việc tìm ra tác nhân gây dị ứng và tránh xa chúng. Đồng thời, kết hợp uống trong, bôi ngoài để đẩy nhanh tiến độ khỏi bệnh.
Điều trị bệnh viêm da cơ địa đòi hỏi sự kiên trì chặt chẽ của bác sĩ và bệnh nhân. Điều quan trọng đó là người bệnh không được gãi nhiều vì càng gãi sẽ càng ngứa, tăng nguy cơ bội nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Lưu ý phân biệt sẩn ngứa diện rộng trên cơ thể với ngứa da do sắc tố mật (thường kèm theo biểu hiện vàng niêm mạc mắt, vàng da) hoặc ngứa do ghẻ để trị đúng bệnh, tránh mất thời gian không cần thiết hoặc trị không đúng bệnh có thể khiến tình trạng viêm da trở nên nghiêm trọng hơn.
Lương Y Vũ Quốc Trung cho biết: “Cách dùng lá ổi chữa viêm da cơ địa chỉ là cách trị bệnh dân gian nên có thể hiệu nghiệm với người này nhưng không thực sự có tác dụng với những đối tượng khác. Chưa kể, nếu dùng không đúng cách, không vệ sinh lá sạch sẽ thì có thể khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.”
Trong quá trình chữa viêm da cơ địa bằng lá ổi, cần chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân một cách khoa học. Đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là hoa quả và rau xanh để tăng cường sức đề kháng, hạn chế thực phẩm gây tổn hại đến da, uống nhiều nước hằng ngày để tăng cường sức sống cho da. Thêm vào đó, cần vệ sinh cá nhân và nơi ở thật sạch sẽ để tránh những tác nhân gây hại tiềm ẩn trong môi trường có thể tấn công và khiến bệnh khởi phát bất cứ lúc nào.
Lá ổi chữa viêm da cơ địa được dùng rộng rãi trong dân gian, giúp nhiều người cải thiện triệu chứng phiền toái, khó chịu. Tuy nhiên, cách chữa bệnh trên còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố cơ địa, tình trạng bệnh, thời gian điều trị. Do đó, nếu dùng một thời gian mà không nhận thấy biểu hiện thuyên giảm của bệnh thì nên ngừng dùng bài thuốc và tìm đến cách chữa trị khác hiệu quả hơn.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!