Cách phòng và trị bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Viêm da cơ địa là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Bệnh tiến triển phức tạp, dai dẳng và tái diễn nhiều lần gây phiền toái. Điều trị sớm viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh sẽ giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và thẩm mỹ.
I. Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh – Những điều bố mẹ cần biết
Theo khảo sát, có đến 60% trẻ em đầu đời mắc bệnh này, 30% trẻ em tái phát bệnh trong 5 năm đầu đời, trẻ em phát bệnh trong độ tuổi từ 6 – 2- tuổi chiếm tỉ lệ khoảng 10%. Chính vì bệnh phổ biến, hầu như trẻ nào cũng có thể mắc phải nên việc trang bị kiến thức cũng như cách phòng ngừa sẽ giúp trẻ giảm đau đớn, khó chịu.
1. Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa là bệnh da nổi mẩn đỏ, mụn nước, ngứa, tái phát mãn tính, xuất hiện từ nhỏ, thường có sự kết hợp giữa yếu tố gia đình (bố, mẹ, anh, chị bị bệnh về cơ địa như: mề đay, viêm mũi dị ứng, hen…) và yếu tố môi trường (bụi, bẩn, hóa chất,…). Viêm da cơ địa gây ra một số biểu hiện mẩn đỏ, sưng tấy, ngứa… tại má, trán, lưng, bả vai, cằm…
2. Triệu chứng bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Viêm da cơ địa ở trẻ là bệnh lý biểu hiện ở nhiều dạng: cấp tính, bán cấp tính, mạn tính. Nắm vững biểu hiện đặc trưng từng giai đoạn sẽ giúp bố mẹ nhận biết chính xác bệnh ở con em mình.
Giai đoạn cấp và bán cấp:
- Trên da bé xuất hiện những vết hồng ban không phân định ranh giới kèm theo những mụn nhỏ li ti. Sau 1 -2 ngày, mụn nhỏ bắt đầu nổi thành những mụn nước và nhanh chóng lây lan sang vùng da khác. Lúc này, trẻ thường xuyên ngọ nguậy, quấy khóc do ngứa, ngủ không ngon giấc, nhất là khi về đêm.
- Khi mụn nước vỡ, da bắt đầu đóng vảy tiết, da khô và dày hơn bình thường.
Giai đoạn mạn:
- Viêm da cơ địa giai đoạn mạn tính là thời điểm triệu chứng viêm da trên tái đi phát lại nhiều lần, có biểu hiện tổn thương rõ ràng. Giai đoạn này, da trẻ rất dễ bị bội nhiễm, bề mặt da xuất hiện lớp sừng dày kèm theo biểu hiện rối loạn sắc tố da.
- Trẻ ngứa nhiều hơn so với giai đoạn trước, ngứa hơn khi gãi, da khô nứt, chảy dịch vàng. Nếu không khắc phục sớm, viêm nhiễm dễ lây lan sang những vùng da lành.
II. Cách điều trị bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Khi xác định được trẻ mắc bệnh viêm da cơ địa, bố mẹ nên áp dụng biện pháp điều trị. Có một điểm cần lưu ý đó là làn da trẻ mỏng manh và nhạy cảm, chính vì thế, việc dùng thuốc điều trị cần phải đặc biệt cẩn trọng.
1. Thuốc trị viêm da cơ địa
Thuốc bôi trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh:
- Giai đoạn cấp: Lúc này, bề mặt da trẻ em bắt đầu xuất hiện mụn nước. Bố mẹ cần bôi một số dung dịch có tính sát khuẩn, sát trùng nhẹ.
- Giai đoạn bán cấp: Dùng dung dịch hồ nước bôi để hút nước.
- Giai đoạn mãn tính: Dùng thuốc mỡ có tính chất thấm sâu xuống dưới da để cải thiện tình trạng khô, tổn thương ở da.
Thuốc uống trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh:
- Thuốc kháng histamin, chống ngứa: Đây là thuốc đặc biệt quan trọng để bệnh không bùng phát.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được chỉ định cho trường hợp viêm da có nhiễm khuẩn.
Việc dùng thuốc điều trị cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là việc dùng những loại thuốc uống, kháng sinh, thuốc chứa corticoid. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho bé khi chưa có chỉ định của người có chuyên môn.
2. Trị viêm da cơ địa bằng mẹo dân gian
Bên cạnh cách dùng thuốc tây, những mẹo trị bệnh dân gian cũng được nhiều ông bố bà mẹ áp dụng bởi nguyên liệu dễ tìm, rẻ, cách thực hiện đơn giản, trị bệnh an toàn. Một số bài thuốc dân gian trị viêm da cơ địa dành cho trẻ sơ sinh có thể kể đến:
Trị viêm da cơ địa bằng dầu dừa, dầu oliu:
Dầu oliu, dầu dừa là hai chất được chiết xuất từ nguyên liệu tự nhiên an toàn, lành tính giúp kháng khuẩn và dưỡng ẩm cho da. Bố mẹ có thể bôi dầu dừa lên da bé 2 lần mỗi ngày sau khi tắm để giúp vảy tiết dễ dàng bong tróc, cải thiện tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trị viêm da cơ địa bằng lá trầu không:
Lá trầu không được xem là “thuốc kháng sinh tự nhiên” vì chúng chứa nhiều hợp chất kháng viêm, kháng khuẩn tuyệt vời nhưng dịu nhẹ, an toàn cho làn da của trẻ. Bôi nước ép lá trầu không hoặc sao lá cho nóng, đắp lên vùng da bị viêm, triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm.
II. Biện pháp phòng viêm da cơ địa ở trẻ em và trẻ sơ sinh
Hầu hết những phương pháp chữa trị bệnh viêm da cơ địa hiện nay chỉ có tác dụng làm thuyên giảm triệu chứng chứ không thể đảm bảo trị bệnh triệt để. Vì thế, bố mẹ cần phải thay đổi thói quen chăm sóc sức khỏe cho trẻ nếu không muốn bệnh bùng phát trở lại.
Giữ vệ sinh cho bé đúng cách:
- Tắm rửa cho trẻ mỗi ngày. Không tắm quá 10 phút, không tắm bằng nước nóng, dùng khăn bông mềm lau cho bé mỗi khi tắm xong để tránh xây xước da.
- Sử dụng dung dịch sữa tắm dịu nhẹ, không có hương hoặc hương thơm tự nhiên để tránh gây kích ứng lên da.
- Thường xuyên thay tã lót cho bé, đặc biệt là sau khi đi tiểu hay đi ngoài để tránh chúng gây kích ứng lên da.
- Bố mẹ nên cắt móng tay cho bé để hạn chế tổn thương da khi bé gãi. Đeo găng tay vào ban đêm khi trẻ ngủ.
Thoa kem dưỡng ẩm hằng ngày
Viêm da cơ địa khiến cho da trẻ bị khô, bong tróc gây đau, ngứa rát…Vì vậy, bố mẹ nên thoa sữa dưỡng ẩm hằng ngày để phục hồi hàng rào da, làm mềm da, dưỡng ẩm, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Kem dưỡng ẩm được chọn ưu tiên những sản phẩm có khả năng phục hồi da, không bết dính, chứa nhiều thành phần thiên nhiên, sản phẩm có dạng kem và dầu thay vì thuốc mỡ, đặc biệt an toàn cho làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể tham khảo: Aquaphor, Moisturel, Curel, Eucerin, Purpose, Aveeno, Cetaphil, Neutrogena Dermasil, và CeraVe.
Giữ gìn vệ sinh nhà ở:
- Chăn, gối, khăn… của trẻ cần được giặt giũ kĩ lưỡng và sạch sẽ. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa để hạn chế tối đa những chất có thể gây kích ứng, bùng phát bệnh.
- Độ ẩm và nhiệt độ trong phòng cần ở mức phù hợp. Không khí quá khô hay nóng đều có thể kích hoạt chu kỳ ngứa trong viêm da cơ địa.
Đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế:
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường, bố mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám ngay để có biện pháp khắc phục kịp thời, tránh để tình trạng viêm nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của bé.
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh có thể biến mất khi trẻ lớn lên. Tuy vậy, áp dụng biện pháp điều trị sớm vẫn là cách tốt nhất giúp bé thoát khỏi triệu chứng khó chịu, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy đến.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!