Các triệu chứng nấm candida bạn luôn phải ghi nhớ thật kĩ
Bạn có thể dễ dàng nhận biết các triệu chứng nấm candida ở da, ở miệng, đường tiêu hóa, sinh dục… Những biểu hiện này thường dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Việc nắm rõ các triệu chứng giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc tìm các phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Người khỏe mạnh bình thường hiếm khi nhiễm nấm Candida, chúng chỉ thường tấn công vào những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, sử dụng corticosteroid kéo dài hoặc có nhiều bệnh nội khoa.
Nấm candida có thể tấn công ở rất nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Các triệu chứng nhiễm nấm candida sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí mà loại nấm này tấn công. Cùng tìm hiểu rõ về vấn đề này qua nội dung bào viết dưới đây.
II. 5 triệu chứng nấm candida thường gặp
Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm nấm candida có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng, cụ thể là:
1. Triệu chứng nhiễm nấm candida ở da
Bình thường, làn da giống như một hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng, tuy nhiên vì một lý do nào đó mà làn da bị thương tổn, kèm theo các điều kiện thuận lợi khác như: Thời tiết nóng ẩm, vệ sinh da kém, làn da bị bí bách ẩm ướt,… Lúc này nấm candida sẽ sinh sôi và phát triển gây nên các triệu chứng nhiễm nấm cadida trên da.
Các dấu hiệu nhiễm nấm candida ở da thường gặp là:
- Xuất hiện những đốm màu đỏ hoặc màu trắng trên da, những đốm này ngứa, rát và đôi khi có thể bị sưng lên (viêm)
- Đôi khi có các mảng da mềm màu trắng và mụn mủ xung quanh khu vực bị nhiễm nấm,…
2. Dấu hiệu nhiễm nấm candida ở miệng
Nấm candida có thể lan truyền trong miệng và cổ họng và gây nên nhiễm trùng. Nhiễm nấm candida phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc cũng có thể xuất hiện ở người lớn đang điều trị ung thư, dùng thuốc corticosteroid, thuốc kháng sinh hoặc người bệnh tiểu đường.
Các triệu chứng nhiễm nấm cadida ở miệng bao gồm:
- Các mảng trắng hoặc vàng ở trên lưỡi, môi, nướu răng, vòm miệng và bên trong má.
- Đỏ hoặc đau ở miệng và cổ họng.
- Xuất hiện vết nứt ở các góc miệng.
- Đau khi nuốt trong trường hợp nấm cadida lan ra cổ họng.
3. Nhiễm nấm candida ở đường tiêu hóa
Nấm đường tiêu hóa hay còn gọi là nấm đường ruột do nhiễm nấm candida gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.
Nhiễm nấm candida đường tiêu hóa phụ thuộc vào vị trí mà sẽ có biểu hiện khác nhau:
- Nấm thực quản: Làm cho người bệnh đau đớn và khó nuốt.
- Nấm dạ dày: Thường buồn nôn ói, sình bụng, đau dạ dày hoặc đau bụng nhiều lần sau khi ăn.
- Nấm đường ruột: Người bệnh bị tiêu chảy, thức ăn không được hấp thụ dẫn dến suy dinh dưỡng, mất nước; hoặc người bệnh có thể có các triệu chứng như ăn không tiêu, giảm cân nhanh, đi tiêu nhiều,…
4. Triệu chứng nhiễm nấm candida sinh dục
Nhiễm nấm candida sinh dục thường gặp nhất ở phụ nữ. Nó thường xảy ra khi sự cân bằng trong âm đạo thay đổi. Điều này có thể do mang thai, tiểu đường, sử dụng một số loại thuốc, chất bôi trơn hoặc chất diệt tinh trùng hay do hệ miễn dịch bị suy yếu. Thỉnh thoảng, nhiễm trùng do nấm candida có thể lây truyền từ người này sang người khác qua con đường tình dục.
Các triệu chứng nhiễm candida sinh dục ở phụ nữ bao gồm:
- Ngứa vùng kín râm ran hoặc dữ dội.
- Đỏ và sưng tấy ở vùng âm đạo, âm hộ.
- Đau, rát bộ phận sinh dục khi bạn quan hệ tình dục hoặc đi tiểu.
- Khí hư ra nhiều, có màu trắng và thường đóng thành mảng dai ở cơ quan sinh dục.
Nếu là nam giới bị nhiễm nấm candida, thì có thể nhận thấy các bất thường bao gồm đau, ngứa hoặc có cảm giác châm chích trên đầu dương vật.
Có thể bạn đang quan: Cách điều trị nấm candida sinh dục nữ tận gốc
5. Nhiễm nấm candida ở cơ quan khác
Ngoài những vị trí tấn công phổ biến của nấm candida đã được đề cập ở trên. Trong một số trường hợp khác, candida có thể đi vào máu làm nhiễm trùng mái và lan rộng khắp cơ thể, gây nhiễm trùng nặng. Điều này rất phổ biến ở trẻ sơ sinh có trọng lượng thấp hoặc ở những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Những dấu hiệu nhiễm trùng khi candida xâm nhập vào máu làm cho người bệnh cảm thấy ớn lạnh, sốt cao, nổi mẩn ngứa, mệt mỏi triền miên, căng thẳng kéo dài và suy nhược. Nặng có thể gây sốc và suy đa tạng.
Nếu nhiễm trùng candida lan sang não, chúng có thể có những thay đổi cấp tính trong chức năng tâm thần hoặc hành vi của người bệnh.
III. Cần lưu ý gì khi có dấu hiệu nhiễm nấm candida?
Hãy nói chuyện với bác sĩ bất cứ khi nào bạn nhận thấy có triệu chứng nhiễm nấm candida trên cơ thể. Đặc biệt các triệu chứng này xuất hiện trong khi bạn đang có một bệnh lý mãn tính hoặc một hệ thống miễn dịch bị suy giảm gây ra bởi ung thư, HIV hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
Phác đồ điều trị nhiễm nấm cadida với các thuốc kháng nấm (đặt, uống, bôi) được sử dụng sẽ phụ thuộc vào vị trí nhiễm nấm của bạn. Có thể kể đến một số loại thuốc chữa nấm candida được kê đơn là: nystatin, clotrimazole, miconazole, fluconazole, itraconazole, ketoconazole, anidulafungin,…
Ngoài ra, để kiểm soát được sự phát triển của nấm candida và hỗ trợ việc điều trị đạt hiệu quả nhanh hơn, cần:
- Giữ vệ sinh răng miệng tốt: Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất mỗi ngày một lần. Thay bàn chải đánh răng thường xuyên cho đến khi hết bệnh, không nên dùng chung bàn chải đánh răng với người khác để hạn chế lây lan.
- Kiểm soát tốt đường huyết: Đảm bảo lượng đường trong máu ở mức cho phép nếu bạn bị bệnh tiểu đường.
- Súc họng nước muối ấm: Hòa tan 1/2 thìa cà phê (2,5 ml) muối vào 1 cốc (237 ml) nước ấm để súc họng.
- Tránh các chất kích thích: Như xà phòng, sữa tắm, chất khử mùi âm đạo,…
- Tránh mặc quần áo bó sát: Quần áo bó sát quá mức có thể tạo nên môi trường ẩm ướt, điều này rất thuận lợi cho nấm candida tấn công vào cơ thể bạn và gây nên các triệu chứng bệnh.
- Vệ sinh da sạch sẽ: Giữ vệ sinh sạch sẽ cho cơ thể mỗi ngày để làm hạn chế môi trường sống tốt cho nấm candida, điều này làm thuyên giảm triệu chứng và ngăn ngừa sự phát triển trầm trọng hơn.
Nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm nấm candida, tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà bằng các thuốc không kê toa hoặc các biện pháp khác. Tất cả kế hoạch điều trị cần được sự theo dõi và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ để tránh những ảnh hưởng xấu không đáng có đến thai nhi trong bụng.
KẾT LUẬN:
Trong khi những người khỏe mạnh bình thường bị nhiễm nấm candida thường có thể được điều trị rất nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn (đôi khi chỉ là một liều duy nhất). Tuy nhiên, ở những người bị nhiễm AIDS hoặc các bệnh khác làm suy giảm miễn dịch thì việc điều trị nhiễm nấm candida có thể gặp khó khăn hơn và nguy cơ tái phát trong trường hợp này cũng cao hơn. Ở những người bị có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, candida có thể đe dọa tính mạng nếu nó đi vào máu và lây lan sang các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể.
Dù cho bạn là đối tượng nào đi chăng nữa, nhưng điều quan trọng khi cơ thể có những triệu chứng nhiễm nấm candida là nên nói chuyện với bác sĩ về tình trạng của bạn. Các bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng lâm sàng và một số các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác và tư vấn cách điều trị tốt nhất cho người bệnh.
BTV: Hoàng Lâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!